Kiến trúc Phật giáo Việt Nam

Hầu hết các nước Phật giáo châu Á, dù là Phật giáo Bắc truyền hay Nam truyền đều có kiến trúc chùa tháp mang bản sắc dân tộc của họ rất rõ nét. Tuy kiến trúc các nước Phật giáo Bắc truyền phần lớn ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Tây Tạng, Bhutan đều có nét kiến trúc độc đáo của mình.
Các nước Phật giáo Nam truyền cũng vậy, tuy cùng ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhưng Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia đều có phong cách kiến trúc đặc thù của dân tộc họ.
Tất nhiên, hệ Phật giáo Bắc truyền dù có bản sắc độc đáo tới đâu trong kiến trúc vẫn có một phong cách chung do ảnh hưởng nền văn hóa Trung Hoa. Và hệ Phật giáo Nam truyền cũng vậy, nhìn kỹ người ta dễ dàng thấy bên cạnh nét kiến trúc chùa tháp riêng của mỗi dân tộc trong vùng Đông Nam Á vẫn có nét chung xuất phát từ nền văn hóa Ấn Độ, điều đó không thể nào tránh được. Do đó, không nên nhầm lẫn giữa cái chung và cái riêng, nghĩa là không nên cố gắng tìm một cái riêng lập dị, cũng không nên đồng hóa với cái chung mà mất đi tính dân tộc đặc biệt của mình.
Nước Việt Nam nằm ở ngã ba giao lưu giữa ba nền văn minh Âu, Ân, Trung Hoa. Tư tưởng dân tộc Viêt Nam thấm nhuần hai nền tư tưởng mạnh nhất Châu Á, đó là học thuật Khổng Tử và triết lý Phật giáo.
Nền kiến trúc Phật giáo có từ đầu kỷ nguyên Tây lịch cùng với thời kỳ đầu tiên đạo Phật du nhập vào Việt Nam.
Đặc tính kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Chịu ảnh hưởng mạnh của nền kiến trúc Phật giáo Trung Hoa và Ấn Độ, hòa hợp với lối kiến trúc dân tộc gọi là “Nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam”.
Tùy theo tính độc lập dân tộc của mỗi triều đại, như thời Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn hay hiện đại, Phật giáo Việt Nam cũng có phong cách kiến trúc chùa tháp khác nhau. Thí dụ như Phật giáo đời Trần, đời Nguyễn ít bị ảnh hưởng của Nho giáo, phong cách kiến trúc chùa tháp biểu hiện tính độc lập dân tộc cao hơn.
Đặc biệt là kiến trúc đời Trần – thời mà Phật giáo được xem là quốc giáo, không những là thời kỳ hưng thịnh của đạo Phật mà của cả dân tộc Việt. Vua Trần Nhân Tông, còn là một nhà sư đầu đà ẩn tu trên núi Yên Tử và núi Ngọa Vân, Tổ của phái thiền Trúc Lâm, có một nhận thức về đạo Phật rất thực tiễn, dung hóa được Thiền nguyên thủy của Đức Phật với Thiền phát triển của các Tổ Trung Hoa thành một dòng thiền độc đáo đầy tính Việt. Về phương diện chính trị cũng vậy, qua nhiều lần đẩy lùi quân xâm lăng phương Bắc, nhà vua đã nghĩ đến việc tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc bằng cách liên kết với các nước phương Nam, lúc bấy giờ là nền văn hóa Phù Nam (Suvannabhūmi) –  tức vùng Đông Nam Á ngày nay – có ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa tâm linh của Ấn Độ.
Do đó, nhà Trần đã ngoại giao, trao đổi văn hóa và kết thân với các dân tộc phương Nam như Champa, Thủy Chân Lạp v.v… Việc gả công chúa Huyền Trân và mời các cao Tăng Phật giáo về phương Nam tham vấn, đồng thời nhà vua xuất gia mặc y theo Phật giáo Nam truyền, biết đọc kinh Pāli và nhất là xây dựng chùa tháp kết hợp với văn hóa kiến trúc phương Nam mà ngày nay hầu hết đã bị phá hủy hoặc đổ nát để xây dựng lại theo văn hóa phương Bắc (những di chỉ khảo cổ từ các di tích chùa cổ đời Trần đã chứng minh rất hùng hồn điều đó).
Do liên tục bị tàn phá bởi chiến tranh nên hiếm có ngôi chùa nào có thể tồn tại được qua các thời đại, đồng thời chúng ta bị đô hộ bởi văn hóa phương Bắc và sau này cộng thêm ảnh hưởng văn hóa phương Tây nên phải nói rằng kiến trúc Phật giáo Việt Nam không những có ảnh hưởng từ hai nguồn văn hóa lớn Ấn – Hoa mà còn từ cả văn hóa phương Tây nữa. Do đó, để giữ được bản sắc dân tộc trong kiến trúc chùa Tháp Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng mà ai cũng có thể nhận thức được.
Phật giáo có nhiều tông phái, mỗi tông phái có tông chỉ, lễ nghi và nếp tu tập sinh hoạt riêng, do đó kiến trúc chùa tháp của mỗi tông cũng cần thể hiện được tính đặc thù của mình.
Mời các bạn quan tâm tham khảo bài viết cùng chủ đề  “Trào lưu mới trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam” của tác giả Đinh Hồng Hải tại đường link http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/19605

Nhận xét